
Đầu tháng không cắt tóc?
Theo quan điểm tâm linh của người Việt, tóc là bộ phận của con người, không muốn cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể trong dịp đầu năm
Kiêng kỵ từ truyền miệng
Theo TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nghiên cứu Con người): Theo quan điểm tâm linh của người Việt, tóc là bộ phận của con người, không muốn cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể trong dịp đầu năm, bởi cắt là mất, nó có thể cho ta gặp những chuyện không suôn sẻ hoặc hay ốm đau.
Chỉ có điều, từ ngày xưa, người Việt Nam đa phần sống bằng nghề nông nghiệp nên phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, họ nghe thần linh, có thể nói hằng số văn hóa của người Việt xưa là luôn “động”, có nghĩa là không tĩnh, không yên ả.
Vì vậy, họ mong một cuộc sống yên bình, yên lành, nên sẽ tin vào những điều kiêng kỵ đó và luôn tuân thủ.
Hiện nay, ngày càng có nhiều thanh niên quan tâm đến những điều kiêng kỵ như đầu năm không cắt tóc, hay đầu tháng không đi thăm phụ nữ đẻ…
Có thể lý giải điều đó rằng bản lĩnh của lớp trẻ ngày càng yếu, sự tác động của kinh tế thị trường gây biến động nhiều, khiến cái được, cái mất, sự hợp tan, thăng tiến chỉ trong giây lát…
Vì vậy, người ta càng cần tìm đến sự hỗ trợ về tinh thần, nên sẽ đi lễ nhiều, giải hạn nhiều và kiêng kỵ cũng nhiều hơn.
Trở về vấn đề kiêng kỵ cắt tóc đầu năm, nếu một người đầu năm không may mắn phát hiện bị khối u trên đầu, thì dù có kiêng đến mấy vẫn phải theo bác sĩ cắt tóc để phẫu thuật, chữa trị…
Cho nên tùy vào người, vào quan niệm mà có cách điều chỉnh khác nhau, tuy nhiên các cụ ta vẫn thường nói: “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”, nếu việc cắt tóc đó không quá bức thiết, thì cứ kiêng đến hết tháng Giêng, không biết có may mắn, an lành hơn không, nhưng chí ít cũng được cho tâm an, lòng yên.
Bà Nguyễn Thị Nắp (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: Tôi năm nay cũng đã gần 80 tuổi, quả thật cũng không biết tục kiêng cắt tóc đầu năm có từ khi nào, nhưng nhiều khi nghe thấy con cái bảo “muốn đi cắt tóc” thì mình lại thường nói:”Ai cắt tóc đầu năm” và có thể chính những câu nói mà người xưa truyền lại như vậy đã thành thói quen cho lớp trẻ ngày nay.
Bản thân tôi ngày trẻ, mặc dù làm nghề nông, nhưng cũng chưa bao giờ cắt tóc vào đầu năm. Nhưng khi già, thì quan niệm này lại giảm hơn, bởi nghĩ “cùng lắm thì cũng đi gặp các cụ…”.
Ngày nay, lớp trẻ như con cháu tôi còn thấy chúng kỹ tính hơn mình ngày xưa nhiều như không ăn cá mè, cá trê, thịt vịt, thịt mèo, rồi cả cạo râu vào ngày đầu năm…
Thôi thì theo duy tâm cứ kiêng kỵ, nhỡ không may xảy ra điều gì lại đổ lỗi cho điều không thờ, không tin…
Theo khảo sát của phóng viên đối với 100 người:
– Có 40,2% người quan niệm kiêng không cắt tóc, không ăn những đồ mà họ thấy đen như thịt chó, mắm tôm, mực…
– Những người không kiêng kỵ thường là người già chiếm 30%.
– Những người không kiêng kỵ thường là người lao động tự do chiếm 29,8%.
Năm mới đang tới gần, nhiều người Trung Quốc buộc phải lựa chọn: cắt tóc hoặc mất đi ông cậu đáng mến. Điều này xuất phát từ một tập tục đã có từ lâu đời.
Rõ ràng là những ông cậu (anh em phía mẹ) đáng giá hơn nhiều việc cắt tóc, đặc biệt là vào dịp Tết khi họ trở nên “hữu ích” trong việc phân phát lì xì. Vậy, cho dù bạn là trai hay gái, để cứu mạng các ông cậu, tất cả đều muốn cắt tóc trước Tết. Đó là lý do tại sao các tiệm cắt tóc đều đông đúc vào dịp này.
Tập tục này xuất phát từ đâu?
Vào năm 1645, một năm sau khi quân Thanh chinh phục triều Minh (1368-1644) và cai trị người Hán, triều Thanh ra một sắc lệnh buộc mọi nam giới người Hán phải cắt trụi tóc trước trán và hai bên mai, tóc dài tết ở phía sau. Đó là một kiểu tóc cổ truyền của người Mãn Châu. Để thực thi mệnh lệnh, mọi cửa hiệu cắt tóc đều treo một tấm biển lớn với dòng chữ: “Tóc hay là chết”.
Tuy nhiên, mệnh lệnh này không được người Hán ưa chuộng. Họ đã tạo ra một lời nguyền, nếu bạn cắt tóc vào tháng đầu tiên của năm mới âm lịch, các ông cậu sẽ chết. Người Mãn Châu cũng không muốn cậu của họ chết và triều Thanh cho phép mọi người không phải cắt tóc trong tháng đầu tiên của năm mới âm lịch.
Vài thế kỷ sau, phong tục này vẫn được duy trì. Có lẽ một số người tin vào lời nguyền vì họ mê tín, song nếu bạn nhìn vào lịch sử của tục lệ này, bạn sẽ nhận thấy nó được sản sinh vì xung đột lịch sử trầm trọng. Tác giả bài viết về tục lệ này kết luận, người Trung Quốc nên cảm thấy may mắn vì được sinh vào thời đại mà kiểu tóc không liên quan tới phẩm giá quốc gia.
Leave a Reply